Dịch vụ khách hàng Hotline 24/7 (+84) 901 388 136
  • vi
  • en

Năm 2018, EVN và PVN có thể mua than từ bên ngoài

Tháng Bảy 21, 2017

Ngày 20/7, làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) tại tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu trong thời gian tới hai đơn vị phải xây dựng thị trường cung ứng than theo hướng đảm bảo cho các hộ tiêu thụ trong nước; giá thành tuân theo quy luật cung cầu và chủ động xây dựng thị trường tiêu thụ, kể cả vấn đề xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ làm việc với các hộ tiêu thụ than để tháo gỡ khó khăn cho ngành than; đồng thời có văn bản báo cáo Chính phủ chỉ đạo EVN và PVN chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017 mà đến năm 2018 mới thực hiện mua than từ bên ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, trước đây nguồn cung cho thị trường chỉ có TKV và sau này có thêm Tổng công ty Đông Bắc. Cùng với đó, thị trường than được thực hiện chặt chẽ theo sự điều tiết của Nhà nước nhưng những năm gần đây thị trường này có nhiều biến đổi. Chính phủ đã cho phép thêm hai đơn vị nữa tham gia vào thị trường cung ứng than cho các hộ tiêu thụ.

Hiện nhu cầu về than rất đa dạng không chỉ là các hộ tiêu thụ thuần túy. Ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phát triển rất nhiều nhà máy nhiệt điện than với sản lượng tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn. TKV cũng là hộ tiêu thụ than cho các nhà máy nhiệt điện của chính mình chưa kể các dự án BOT do các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư phần lớn là các nhà máy nhiệt điện than.

Dự báo đến năm 2030, nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ đến hơn 100 triệu tấn và khả năng đến năm 2030 sẽ phải nhập khẩu khoảng 80 triệu tấn than. Trong khi đó, năng lực sản xuất và nguồn tài nguyên có hạn nên khả năng sản xuất chỉ có thể trên 50 triệu tấn/năm. Vì vậy, theo Bộ Công Thương cần có chính sách mới cho việc phát triển thị trường.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, đến thời điểm hiện nay, TKV mới ký được 9 hợp đồng dài hạn với các nhà máy điện. Theo nội dung các công văn của Chính phủ số 46/TTg-CN và số 2172/VPCP-CP về việc cung cấp than cho sản xuát điện thì TKV đóng vai trò chỉ là một trong những kênh cung ứng than cho các nhà máy điện.

Bên cạnh đó, việc cung cấp than của TKV được thực hiện trên cơ sở hợp đồng mua bán hàng năm hoặc hợp đồng mua bán dài hạn đã được ký kết giữa TKV và các nhà máy nhiệt điện chạy than.

Do đó, theo Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải, TKV chỉ chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng than cho các máy nhiệt điện đã ký hợp đồng mua bán dài hạn với Tập đoàn, không còn chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng và cung cấp than cho nền kinh tế theo các quy hoạch đã phê duyệt trước đây.

Từ thực tế trên, TKV đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép Tập đoàn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh căn cứ trên hợp đồng dài hạn để đảm bảo mức tồn kho hợp lý và đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Trường hợp TKV vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trong việc đảm bảo cung cấp than cho sản xuất than cho điện và nhu cầu khác của nền kinh tế theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 thì có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than antraxit do trong nước sản xuất, nhất là đối với các nhà máy nhiệt điện để TKV xác định nhiệm vụ dài hạn xây dựng các mỏ than, đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế.

Đối với trường hợp các nhà máy nhiệt điện không có nhu cầu sử dụng than, hoặc chỉ sử dụng một phần than của TKV, Chính phủ cho phép xuất khẩu dài hạn tất cả các chủng loại than không phụ thuộc vào hạn ngạch để TKV chủ động về thị trường tiêu thụ và cân đối tài chính.

Cũng theo ông Đặng Thanh Hải, đến nay, TKV và các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN hiện chưa thống nhất được giá mua bán than giai đoạn từ ngày 26/12/2016 đến 28/2/2017. Vì vậy, TKV và các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN chưa thống nhất được hợp đồng mua bán than trong năm 2017.

Theo báo cáo đề xuất của EVN năm 2017 sẽ điều chỉnh lại nhu cầu tiêu thụ than giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch để tăng tương ứng mua than của 2 đơn vị mới. Tồn kho than sạch cuối năm 2017 của TKV sẽ tăng tương ứng do tăng sản lượng khai thác thêm 2 triệu tấn theo chỉ đạo của Chính phủ và giảm tiêu thụ cho nhà máy điện của EVN là 2 triệu tấn.

Việc cắt giảm sản lượng cũng sẽ làm tăng giá thành than do các chi phí cố định không giảm được, hiệu quả sản xuất kinh doanh than giảm mạnh…..

Bởi vậy, TKV cũng đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo PVN và EVN chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017 để tránh thiệt hại cho TKV và đề nghị cung cấp than từ các hộ ngoài khác thực hiện từ năm 2018.

Đồng thời, có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than antraxit sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu loại than này trong điều kiện đang bất bình đẳng về thuế, phí để giúp TKV tiêu thụ than tồn và sản lượng tăng thêm. Cùng với đó, cho phép TKV xuất khẩu các loại than mà không phụ thuộc vào hạn ngạch để TKV chủ động tiêu thụ và cân đối tài chính.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phê duyệt biểu đồ cung cấp than dài hạn cho các nhà máy điện than làm cơ sở cho các đơn vị khai thác chủ động trong kế hoạch dài hạn. Song song đó, chỉ đạo EVN, PVN yêu cầu các nhà máy nhiệt điện tổ chức ký hợp đồng dài hạn và cam kết mua than của TKV theo hợp đồng.

Ông Phương Kim Minh, Tổng công ty Đông Bắc đề nghị, Bộ Công Thương không bổ sung các đầu mối cấp than cho sản xuất điện; đặt yếu tố đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia lên trên yếu tố phát triển thị trường than cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường.

Đồng tình với TKV, Tổng công ty Đông Bắc đề nghị Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn EVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc thống nhất giá than cấp cho các hộ điện trong thời gian từ 1/1/2017 đến 28/2/2017. Ngoài ra, cho phép TKV và Tổng công ty Đông Bắc được xuất khẩu chủng loại than đang tồn mà thị trường trong nước không có nhu cầu sử dụng trên cơ sở tự cân đối lượng tồn kho, tiêu thụ, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nguồn: TTXVN

TIN LIÊN QUAN